Trở lại danh sách tin tức
Ba “đại gia” năng lượng Mỹ nhăm nhe “vàng lỏng” ở Iraq

Ngược sóng với ngành dầu mỏ thế giới, các tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ đang hối thúc các thỏa thuận hàng tỷ USD tại Iraq.

Công nhân làm việc tại cơ sở lọc dầu ở Basra, Iraq ngày 14/12/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỏ dầu 4,4 tỷ thùng

Tạp chí Phố Wall dẫn lời các quan chức Iraq cho hay, Tập đoàn dầu mỏ Chevron (bang California, Mỹ) đang đàm phán về thỏa thuận đầu tư mỏ dầu lớn tại Iraq. Đây là một phần trong chuỗi thỏa thuận mà các doanh nghiệp Mỹ đang tự tin theo đuổi tại thị trường năng lượng Iraq sau nhiều năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại đây bị ngưng trệ và gián đoạn do bất ổn chính trị.

Chevron và chính phủ Iraq dự kiến ký biên bản ghi nhớ chung (MoU) về hợp tác phát triển một trong những mỏ dầu lớn ở miền Nam Iraq, theo các quan chức Iraq. Nếu được hoàn tất, thỏa thuận sơ bộ giữa hai bên sẽ được công bố trong tuần này khi tân Thủ tướng Iraq có chuyến thăm Mỹ theo kế hoạch. Thủ tướng Iraq dự kiến hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20/8.

Giới thạo tin cho hay, trong thỏa thuận với chính phủ Iraq, Chevron sẽ tập trung khai thác dầu tại mỏ Nassiriya với trữ lượng 4,4 tỷ thùng. Đây không phải là một trong những mỏ dễ khai thác tại Iraq và nó đòi hỏi một loạt công nghệ phức tạp mà chỉ những tập đoàn quốc tế và quy mô lớn như Chevron có thể đáp ứng.

Nếu thỏa thuận trên được hoàn tất, tổng mức vốn đầu tư sẽ được giới hạn trong ngưỡng hàng trăm tỷ USD.

Đây thực sự là suất vốn đầu tư khá nhỏ so với quy mô một công ty năng lượng khổng lồ như Chevron nhưng nó lại là động thái ngược dòng của gã khổng lồ năng lượng Mỹ giữa lúc ngành dầu mỏ đang phải cắt giảm chi tiêu do giá dầu giảm sâu thời Covid-19.

Nhu cầu dầu mỏ lao dốc không phanh giữa dịch Covid-19 và nhiều bất ổn kinh tế khác bao trùm khiến các công ty dầu mỏ lớn trên thế giới đồng loạt tuyên bố cắt giảm chi tiêu hàng tỷ USD và tái cơ cấu. Đầu năm nay, Chevron cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu khoảng 4 tỷ USD, tương đương 20% so với kế hoạch. Song song với mục tiêu cắt giảm đó, tập đoàn này sẽ sa thải khoảng 15% nhân viên.

Thế nhưng, Chevron vẫn sốt sắng rót vốn đầu tư vào Iraq bất kể thị trường toàn cầu đang rối ren vì Covid-19. Chevron bước vào đại dịch Covid-19 với bản cân đối kế toán “vững chãi”. Tháng trước, “gã khổng lồ” này đã mua lại Công ty khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên Noble Energy với giá 5 tỷ USD – thỏa thuận mua bán lớn nhất của ngành dầu mỏ Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đại diện phát ngôn Chevron cho biết tập đoàn này không bình luận về các vấn đề có tính chất thương mại, còn người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iraq từ chối bình luận về thỏa thuận trên.

Dự án khí đốt 2,2 tỷ USD

Theo Nhà Trắng, tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi sẽ gặp Tổng thống Trump vào ngày 20/8 để thảo luận về đại dịch Covid-19, cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề khác, bao gồm hợp tác năng lượng.

Chính quyền Iraq cũng lên kế hoạch ký các thỏa thuận tạm thời với nhà đầu tư Mỹ để hỗ trợ quốc gia Trung Đông phát triển ngành điện, nơi có nguồn khí tự nhiên trị giá 2 tỷ USD đang bị lãng phí mà chưa dùng cho phát điện.

Nguồn tin từ quan chức Iraq cho hay, bên lề chuyến thăm, các quan chức Mỹ và Iraq dự kiến công bố tiến độ triển khai thỏa thuận công nghệ điện và khí tự nhiên giữa Tập đoàn công nghệ Honeywell International, General Electric và Stellar Energy với phía Iraq.

Washington đã khuyến khích các thỏa thuận năng lượng với Baghdad, coi đây là cách tốt để Iraq giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Iran – một yêu cầu lâu nay của chính quyền Trump đối với Iraq.

Phía Iraq được cho là sẽ hé lộ những bước đi mới trong thỏa thuận với Honeywell về phát triển trung tâm khí đốt Ar Ratawi trị giá 2,2 tỷ USD, cũng như thỏa thuận với hai tập đoàn khác của Mỹ (Stellar Energy và GE) về việc xây dựng lại hệ thống điện. Về vấn đề này, cả Honeywell, GE và Stellar đều không đưa ra bình luận.

Việc các tập đoàn lớn của Mỹ kiên trì theo đuổi các dự án năng lượng ở Iraq cho thấy sức hút của quốc gia Trung Đông này trong lĩnh vực năng lượng.

Giống như với một số nước láng giềng Trung Đông khác, gồm cả Saudi Arabia, dầu thô của Iraq thường khá dễ khai thác và chi phí thấp. Do đó, các dự án dầu mỏ tại đây trở thành “miếng bánh ngon” cho các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới, nhưng lâu nay các dự án đó bị kìm hãm bởi sự bất ổn chính trị tại Iraq.

Baghdad đã mở cửa đón vốn đầu tư nước ngoài kể từ sau cuộc chiến tại Iraq do Mỹ làm “chủ công” năm 2003. Ngoài lý do bất ổn chính trị những năm sau đó, giới dầu mỏ cho rằng các điều khoản mà các chính phủ Iraq kế nhiệm đưa ra chưa đủ hấp dẫn.

Những nỗ lực của các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách tiếp cận Iraq – thị trường phát triển dầu mỏ nhanh nhất ở Trung Đông – đều bị cản trở bởi làn sóng bất ổn và căng thẳng Baghdad và Washington thời gian qua.

Kể từ tháng 10/2019, nhiều cuộc biểu tình chống tham nhũng và công tác quản lý yếu kém đã nổ ra trên đường phố Iraq, khiến Nội các của cựu Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi phải từ chức vào tháng 12/2019.

Mối quan hệ giữa Iraq và Mỹ trở nên căng thẳng vào tháng 1/2020 sau khi Washington tiêu diệt một tướng lĩnh hàng đầu của Iran ở thủ đô Baghdad.

Tuy nhiên, tình hình có vẻ “xuôi chèo mát mái” khi tháng 5/2020 Quốc hội Iraq phê chuẩn Giám đốc cơ quan tình báo Mustafa al-Kadhimi giữ chức vụ Thủ tướng. Tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi lâu nay duy trì mối quan hệ hữu nghị với Mỹ. Hơn nữa, tân Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Ismaael cũng sẽ hối thúc doanh nghiệp Mỹ khởi động lại các cuộc đàm phán dầu mỏ với Iraq, giới thạo tin nhận định.

Chưa hết, Tập đoàn dầu khí hàng đầu Mỹ Exxon Mobil cũng vừa mới tái khởi động đàm phán về giai đoạn phát triển mới đối với mỏ dầu West Qurna 2 ở miền Nam Iraq. Ngoài ra, “ông lớn” dầu khí này cũng đang theo đuổi một dự án dầu mỏ khác – “South Integrated Project”, nhưng chưa đạt tiến triển trong thương thảo.

Trước đó, công ty phân tích thị trường năng lượng S&P Global Platts cho biết, sau 3 năm đàm phán, Bộ Dầu mỏ Iraq năm 2018 mới đạt được điều khoản sơ bộ với Exxon Mobil và PetroChina về dự án “South Integrated Project” với hy vọng nâng mục tiêu công suất lên 8 triệu thùng/ngày trong vòng 5-7 tiếp theo.

Đây là dự án mà Exxon Mobil dày công theo đuổi, trong đó tập trung vào mảng khai thác, cung cấp đường ống và quản lý nước. Người phát ngôn của Exxon Mobile cho biết tập đoàn này vẫn đang theo sát tình hình dự án.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép