Trở lại danh sách tin tức
Bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Source

Trong các ngày 22-24/2/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc làm việc với các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối để thống nhất giải pháp điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu trên tinh thần nhất quán: Bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong mọi tình huống.

Các cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm, ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Trong nước, do nắm bắt tình hình sớm nên ngay từ cuối tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có phương án tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối đã đẩy mạnh việc nhập khẩu. Chỉ tính riêng tháng 2/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đã đạt mức 1,45 triệu m3, tăng cao gấp 3 lần so với các tháng thông thường. Cùng với lượng tồn đầu tháng 1,3 triệu m3, lượng mua từ sản xuất trong nước, tồn kho gối đầu trong tháng 3 khoảng 1,6-1,8 triệu m3, nguồn cung xăng dầu cho thị trường từ các nguồn trong Quý I/2022 được bảo đảm.

Tại các cuộc họp diễn ra ngày 22-24/02/2022 với sự tham dự của đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam; Đại diện UBND, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối…, các bên thống nhất thực hiện quyết liệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhất là các doanh nghiệp lớn có cổ phần của Nhà nước đã thể hiện tốt vai trò trách nhiệm trong việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trước những bất ổn về nguồn cung cấp từ sản xuất. Do đó, tại các cuộc họp, các bên đều thống nhất cách thức điều hành của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc bảo đảm tổng nguồn cung xăng dầu trước mắt trong Quý II/2022 theo phương thức phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5/2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 06 tháng cuối năm 2022.

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng thống nhất cách thức điều hành giá của Bộ Công Thương theo tinh thần của Nghị định 95 có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận với giá thế giới. Theo đó, tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, tuy nhiên khi cần, cứ 2 ngày một lần, Tổ Tư vấn liên Bộ Công Thương – Tài chính phải họp, thống nhất, báo cáo với Lãnh đạo hai Bộ để báo cáo với Chính phủ xin ý kiến cho kỳ điều hành tiếp theo.

Ngay sau cuộc họp ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022. Theo đó, Bộ Công Thương giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước (có Phụ lục kèm theo). Số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định này.

Các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu nêu trên có trách nhiệm thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định; đồng thời, phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng; báo cáo về Bộ Công Thương (qua Vụ Thị trường trong nước) tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương giao Thanh tra Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Quyết định này; giao Vụ Thị trường trong nước tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Quyết định này báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 25 hàng tháng. Nếu các doanh nghiệp thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì Bộ sẽ có biện pháp xử lý theo quy định như đình chỉ hoặc rút giấy phép.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép