Trở lại danh sách tin tức
Miền Trung tăng trưởng nhờ năng lượng tái tạo

Source

Đổi thay trên miền “nắng lửa, gió lào”

Chủ tịch huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) Đặng Trọng Vân cho biết, kế hoạch năm 2021, UBND tỉnh giao mục tiêu thu ngân sách 52 tỷ nhưng Hướng Hóa đã đạt được một điều không tưởng. Tổng thu đạt 255 tỷ đồng, vượt 5 lần so với mục tiêu.

Lý do của việc tăng đột biến này, theo ông Vân, đó là do các dự án các điện gió triển khai trên địa bàn huyện, VAT vãng lai của các đơn vị thi công, thầu ngoại tỉnh được trích về ngân sách huyện 2%.

Sau này khi các dự án triển khai xong, nguồn thu ổn định từ các dự án điện gió khoảng 55 tỷ, thu về ngân sách tỉnh. Toàn tỉnh Quảng Trị thu ngân sách năm 2021 đạt 5.511 tỷ trong đó, trên 3.450 tỷ, chủ yếu nhờ điện gió.

Điện gió tạo cú hích cho sự phát triển của toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Tất nhiên, quá trình triển khai dự án có cái này cái kia, mâu thuẫn của người dân với các chủ đầu tư điện gió trong việc đền bù, xe chờ thiết bị siêu trường siêu trọng… va quệt làm đổ cây, sạt đường… là những sự vụ nhỏ, không lớn và đều có thể xử lý ngay được. Về lâu dài, các dự án khi đi vào hoạt đồng đều phải tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường tự nhiên theo bản kế hoạch đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt” – ông Vân cho biết.

Quảng Trị đang khát vọng hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền trung vì tỉnh còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng điện gió trên đất liền, ngoài khơi, điện mặt trời. Năm 2021, Quảng Trị khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng hai giai đoạn có công suất 4.500 MW với mức đầu tư 4.5 tỷ USD góp phần đẩy mạnh mục tiêu trên thành hiện thực.

PCT UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho biết, địa phương đang nỗ lực biến những bất lợi thành có lợi. Những chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, đã được ban hành với mục đích ưu tiên năng lượng tái tạo, như điện gió.Tỉnh đã rất nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái định cư… còn nhà đầu tư cũng làm thật, làm đúng cam kết.

Miền Trung tăng trưởng nhờ năng lượng tái tạo

Một dự án điện gió tại Quảng Trị

“Đánh thức” Tây Nguyên

Trong khi đó, trong vài năm gần đây nhiều nhà đầu tư đã tìm đến các tỉnh Tây Nguyên để triển khai các dự án năng lượng sạch. Trong đó, Đăk Lăk được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất nhì cả nước và bước đầu đang được khai thác hiệu quả. Đến nay, Đăk Lăk đã nhiều dự án điện mặt trời hòa vào lưới điện quốc gia với công suất hàng trăm MWP và nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đã được phê duyệt đang triển khai hoàn thiện.

Một thời gian dài, vào mùa khô, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Đăk Lăk bị bỏ hoang do nắng hạn thiếu nước, không thể sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân các vùng hạn quanh quẩn đói nghèo. Nhưng nay, những cánh đồng hoang hóa, khô cằn đã được phủ trắng các tấm pin điện mặt trời, các cột tua bin gió. Các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời được triển khai và mang lại hiệu quả bước đầu đang mở ra cánh cửa mới để địa phương này phát triển kinh tế, xã hội.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đăk Lăk năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khi đó đánh giá, Đăk Lăk có những vùng đất khô cằn đầy nắng gió có nguồn bức xạ mặt trời cao gây khó khăn đối với sản xuất nông-lâm nghiệp, nhưng lại là thuận lợi rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, tận dụng đầu tư khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Tháng 3/2019, cụm công trình điện mặt trời Sêrêpôk 1-Quang Minh rộng 120ha, công suất 100 MWP tại xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn chính thức cắt băng khánh thành sau 6 tháng khởi công. Với công suất trên, mỗi năm cụm điện mặt trời này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu kwh, thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ha đất cằn ở huyện biên giới sẽ mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng mỗi năm.

Theo kết quả khảo sát của UBND tỉnh Đăk Lăk, địa phương này có đủ điều kiện để phát triển điện mặt trời lên đến 16.000MWP. Hiện tại, đã có 32 dự án điện mặt trời được lập và xin chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Cùng với phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại Đăk Lăk cũng bắt đầu được khai mở với dự án đầu tiên là phong điện Tây Nguyên triển khai tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo với công suất 436MW, vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng.

Miền Trung tăng trưởng nhờ năng lượng tái tạo

Nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo đã hỗ trợ các công trình dân sinh

Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 3/2019, UBND tỉnh và các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện 5 dự án điện gió và điện mặt trời, tổng công suất 641MW, tổng vốn đầu tư gần 21.000 nghìn tỷ đồng. Các dự án này đang được khảo sát, lập dự án, lắp đặt cột đo gió để thu thập số liệu lượng gió và bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh làm cơ sở triển khai.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Nông, tháng 10/2020 địa phương này đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án điện gió với tổng công suất là 430 MW. Khi các dự án đưa vào vận hành sẽ góp phần cung cấp điện cho điện lưới quốc gia, cũng như gia tăng độ ổn định cho hệ thống điện tỉnh Đắk Nông, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các dự án này sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của UBND tỉnh Đắk Nông, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỉnh vẫn giữ vững được tăng trưởng kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tổng thu năm 2021 đạt hơn 3.000 tỷ đồng và đạt mức cao nhất từ khi thành lập tỉnh (2004) đến nay.

Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tăng trưởng khá, điển hình như: khai thác bô xít, chế biến alumin; điện mặt trời, điện gió; công nghiệp khai thác, chế biến vật liệu xây dựng.

Chủ tịch huyện Đắk Song Nguyễn Văn Phò – địa phương có nhiều dự án điện gió đang triển khai xây dựngcho biết, nhiều năm qua nguồn thu ngân sách của địa phương chủ yếu từ nông nghiệp, trong đó các cây trồng chủ lực gắn với vùng miền gồm hồ tiêu, cao su, cà phê, cây bơ và một số doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến gỗ, may mặc…

“Ngân sách của huyện 1 năm thu được khoảng 100 tỷ đồng trong khi đó chỉ tính riêng nếu 3 dự án điện gió trên đi vào hoạt động có thể nộp vào ngân sách 300 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các dự án sẽ góp phần thúc đẩy kích cầu các lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn, bởi một lượng lớn công nhân, người lao động đến địa phương làm việc” – Ông Nguyễn Văn Phò thông tin thêm.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép