Trở lại danh sách tin tức
Nhà máy điện BOT của nước ngoài sắp bàn giao, 2 tập đoàn lớn cùng xin nhận

Source

Trước thông tin hai nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và BOT Phú Mỹ 2.2 sẽ được bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025, hai “ông lớn” PVN và EVN cùng vào cuộc “cạnh tranh”, đề xuất Chính phủ cho tiếp nhận, vận hành các nhà máy.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi 3 bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về chuyển giao hai nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 theo đề nghị của Bộ Công thương.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đúng các nhiệm vụ được giao tại văn bản chỉ đạo trước đó, không để ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công tác chuyển giao hai nhà máy theo quy định pháp luật và hợp đồng BOT.

Nhà máy điện BOT của nước ngoài sắp bàn giao, 2 tập đoàn lớn cùng xin nhận - Ảnh 1.

Trung tâm điện lực Phú Mỹ, nơi cung cấp sản lượng điện lớn cho miền Nam

Đây là hai dự án BOT điện công suất lớn do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thực hiện từ năm 2001 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam.

Trong đó, Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3, công suất 716,8 MW, do các nhà đầu tư Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation thực hiện, được vận hành thương mại từ ngày 1-3-2004. Theo hợp đồng BOT, nhà máy có thời hạn vận hành kinh doanh 20 năm, được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 1-3-2024.

Tương tự, Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 có công suất 715 MW, do các nhà đầu tư EDFI, Summit Global Management II B.V và TEPCI thực hiện, được vận hành thương mại vào năm 2005. Theo hợp đồng BOT, nhà máy có thời gian vận hành kinh doanh 20 năm, được bàn giao cho phía Việt Nam vào ngày 4-2-2025.

Trước thông tin các đối tác ngoại sẽ chuyển giao hai nhà máy nhiệt điện BOT cho phía Việt Nam vận hành, kinh doanh khai thác, thời gian qua cả hai “ông lớn” nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng đề xuất Bộ Công thương cho tiếp nhận, vận hành, quản lý, kinh doanh hai nhà máy nhiệt điện.

Lý do được EVN đưa ra để xin tiếp nhận hai nhà máy nhiệt điện là: EVN là đơn vị được Thủ tướng giao đảm bảo cung cấp điện quốc gia; EVN đang vận hành một số nhà máy tại trung tâm điện lực Phú Mỹ, có kinh nghiệm lâu năm trong vận hành, kinh doanh nhà máy điện tua bin khí; EVN là đơn vị cùng Bộ Công thương trong quá trình đấu thầu, đàm phán hợp đồng BOT cả hai dự án nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3, BOT Phú Mỹ 2.2.

Bên cạnh đó, PVN cũng đưa ra 4 lý do để được tiếp nhận hai nhà máy điện. Đó là: PVN có thể chủ động được nguồn nguyên liệu cho hai nhà máy nhiệt điện vận hành ở mức cao nhất; có điều kiện để thu xếp nguồn nhiên liệu vận hành hai nhà máy ở mức cạnh tranh nhất; có ưu thế về tài chính để cân đối chi phí vốn trong hoạt động các nhà máy; PVN là nhà cung cấp khí duy nhất trên thị trường, có sẵn nguồn nhân lực đang vận hành các dự án nhiệt điện khí Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2.

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng vào ngày 5-1, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng giao cho EVN tiếp nhận, vận hành hai nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2 khi các đối tác nước ngoài bàn giao lại cho Việt Nam.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép