Trở lại danh sách tin tức
Nhiều cửa hàng xăng dầu nghỉ bán

Source

Nguồn hàng căng thẳng khi Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, nguồn nhập cũng khó khiến nhiều đại lý xăng dầu muốn bán cầm chừng hoặc nghỉ bán.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, đến chiều 7/2 cho thấy, hơn 20 cửa hàng xăng dầu ngưng bán do hụt nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, thua lỗ…

“Sáng nay đã có một số cửa hàng mở lại. Quản lý thị trường đang kiểm tra, nếu có hiện tượng găm hàng, chờ giá sẽ xử phạt”, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường An Giang, cho biết.

Tại huyện Phú Tân, doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Việt (thị trấn chợ Vàm) xin nghỉ bán xăng tới hết ngày 12/2 do “lỗ chi phí”. Cửa hàng của doanh nghiệp xăng dầu Hiệp Vinh hiện chỉ bán dầu, do Công ty Petrolimex An Giang thông báo nguồn xăng không đủ giao và “ngày 8/2 mới cấp xăng trở lại”.

Tại huyện Châu Thành, quản lý thị trường An Giang cũng phát hiện 5 trường hợp ngừng bán do “hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời”.

Một cây xăng ở huyện An Phú, An Giang tạm dừng bán, sáng 8/2. Ảnh: Anh Hào

Một cây xăng ở huyện An Phú, An Giang tạm dừng bán, sáng 8/2

Tại TP HCM, cũng có hiện tượng một số cây xăng tư nhân tạm ngừng hoạt động do thiếu xăng RON 95. Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ. Các thương nhân phân phối xăng dầu phản ánh khó mua xăng để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhận quyền. Một số cửa hàng xăng dầu có thể bị đứt nguồn xăng RON 95.

Tại cây xăng Phú Định K26 (Quận 8), quản lý thị trường TP HCM cho biết, kiểm tra ngày 7/2 thì cây xăng này kéo rào không bán lẻ xăng cho khách vãng lai. Quản lý tại đây giải thích, do bồn chứa xăng còn ít, chỉ đủ cung cấp cho các xe có ký hợp đồng với đơn vị nên họ phải kéo rào để khách vãng lai không vào mua xăng.

Một cây xăng ở thành phố Châu Đốc thông báo hết xăng ngừng bán chiều 7/2. Ảnh: Nguyễn Khánh

Một cây xăng ở thành phố Châu Đốc thông báo hết xăng RON 95 chiều 7/2. Đến sáng nay (8/2), cây xăng này đã bán loại xăng này trở lại

Trong hôm nay (8/2) xăng mới được cấp trở lại bình thường cho trạm xăng này. Một số cây xăng thuộc Công ty TNHH TMDV Biên Khoa tại quận Gò Vấp và quận 12 cũng ngừng bán và chỉ còn bán dầu vì nguồn cung hạn chế.

Hiện tượng cây xăng đóng cửa, tạm ngừng bán còn xảy ra tại một số địa phương khác như Đồng Nai, Hậu Giang, theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường.

Tại Hà Nội, một số vẫn chưa mở cửa trở lại sau nghỉ Tết. Theo đại diện một thương nhân xăng dầu ở Hà Nội, hôm nay phần lớn các đầu mối đã thông báo dừng nhập. Ngay cả đầu mối vẫn giúp thương nhân này duy trì nguồn hàng lúc khó khăn vừa qua cũng chỉ cấp được một xe 20 m3 từ ngày 8/2 “cho tới khi có thông báo mới”. Bình quân mỗi ngày, các cửa hàng xăng dầu của thương nhân này bán khoảng 50 m3. Với lượng hàng ít ỏi nhập được, theo vị này, chỉ đủ bán chưa đến một ngày.

Nguồn cung xăng dầu trong nước bắt đầu khan hiếm từ trước Tết, sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, phải cắt giảm công suất từ 105% xuống 80% do những khó khăn về tài chính. Đây là đơn vị chiếm 35% nguồn cung trong nước, là nhà máy lọc dầu lớn thứ hai hiện nay.

Lọc dầu Nghi Sơn sau đó thông báo sẽ không phải dừng sản xuất do đã đạt được thoả thuận hỗ trợ tài chính ngắn hạn để duy trì hoạt động. Nhưng ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết công suất mới chỉ đạt 60-80%. Đây nên việc này ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

Thừa nhận nguồn cung xăng dầu giảm, lãnh đạo Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu ở Thủ Đức cho biết cũng đang gặp khó. Ngoài việc nhập vào cầm chừng, nhiều doanh nghiệp đầu mối phía Nam cũng cho biết nguy cơ thiếu nguồn cung có thể lên tới 50% nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Còn nguồn cung quốc tế đang bấp bênh do nhiều vướng mắc về thuế khiến các đơn vị xuất khẩu không mặn mà với thị trường Việt.

Các thương nhân xăng dầu dự báo, tình hình nguồn cung có thể vẫn căng thẳng kéo dài tới cuối tháng 2 nếu nhà chức trách không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cho biết, ngay bản thân họ cũng đang rơi vào thế khó, không riêng các cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở phía Nam, hiện có nhiều thương nhân đăng ký tăng sản lượng mua nhưng không thể đáp ứng. “Chúng tôi đã ký hợp đồng nhập thêm từ nước ngoài nhưng hàng chưa cập bến, Lọc dầu Nghi Sơn cũng chưa chạy hết công suất trở lại nên tình hình nguồn cung vẫn chưa cải thiện”, ông nói.

Tuy vậy, vị này cho biết, với thương nhân, đại lý thuộc hệ thống phân phối của mình thì “cam kết cung ứng đủ hàng, không thiếu”.

Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Quốc Thắng cho hay, mấy ngày nay vẫn mở bán để duy trì dù phải chịu lỗ do giá đầu vào tăng cao. Theo ông, các đầu mối báo nguồn cung ứng giảm mạnh khoảng 30-40%. Còn nguồn hàng dự trữ tại kho cũng đang dần cạn.

Lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu tại Thủ Đức nói thêm, giá xăng dầu thế giới biến động mạnh nhưng giá trong nước lại không điều chỉnh vào kỳ điều hành ngày 1/2 vừa qua do đúng kỳ nghỉ Tết. Kỳ điều hành tiếp theo sẽ là ngày 11/2 nên “doanh nghiệp càng bán ra càng lỗ”.

Trước thực tế này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết, bộ này đã trao đổi với các đầu mối xăng dầu lớn để có sự phối hợp, chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng. Bộ này cũng báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý.

“Chúng tôi khẳng định làm tốt nhất để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng”, ông nói.

Ông Trần Duy Đông cho biết thêm, cơ quan này đang tìm cách điều phối giữa các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để có nguồn hàng nhanh nhất, sớm nhất nhằm đảm bảo tổng cung xăng dầu trong nước.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép