Trở lại danh sách tin tức
Quy hoạch Điện VIII: Tạo điều kiện cho địa phương nhưng cần tính đến lợi ích tổng thể cả nước

Source

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, phát huy lợi thế của các địa phương nhưng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiết kiệm chi phí đầu tư xã hội là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai rà soát quy hoạch một cách toàn diện, công tâm, khoa học, khách quan.

Quy hoạch Điện VIII: Tạo điều kiện cho địa phương nhưng cần tính đến lợi ích tổng thể cả nước  - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết” là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Đây là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019.

Rà soát toàn diện, tính toán thận trọng, cân nhắc mọi yếu tố

Do tính chất đặc thù, quá trình lập, hoàn thiện Quy hoạch điện 8 đã trải qua nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, đảm bảo tính toán một cách thận trọng, cân nhắc mọi yếu tố.

Tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, bản dự thảo Quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện.

Thứ nhất, Dự thảo trình chưa đánh giá đầy đủ các tồn tại, vướng mắc, hạn chế của Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là các vấn đề bất cập đang diễn ra trong thực tiễn. Đây là nội dung rất quan trọng để có biện pháp, giải pháp khắc phục cho được các tồn tại, yếu kém, nhằm phát triển bền vững và minh bạch ngành điện, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.

Thứ hai, quy mô phát triển nguồn điện theo danh mục nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 là rất lớn (khoảng 181.000 MW), gấp khoảng 1,94 lần nhu cầu công suất cực đại (Pmax khoảng 93.300 MW); đặc biệt, không có sự thống nhất giữa quy mô danh mục nguồn điện dự kiến phát triển và dự kiến cơ cấu công suất nguồn theo phương án cao trong Tờ trình (167.000 MW).

Thứ ba, cơ cấu nguồn điện còn chưa hợp lý; nguồn nhiệt điện than dự kiến phát triển quá lớn (năm 2030 khoảng 47.000 MW, năm 2045 khoảng 54.000 MW); nguồn điện khí LNG dự kiến phát triển cũng rất lớn (năm 2030 khoảng 41.000 MW và đến năm 2045 khoảng 83.000 MW).

Thứ tư, cân đối vùng miền còn bất hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn. Giai đoạn 2021-2030, đầu tư khoảng 14.000 km đường dây 500 kV, 73.000 MVA công suất trạm biến áp 500 kV, 17.500 km đường dây 220kV và khoảng 72.000 MVA công suất trạm biến áp 220 kV. Nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 33 tỷ USD.

Thứ năm, về các cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII còn chưa rõ, mối quan hệ với các quy hoạch liên quan trong hệ thống quy hoạch quốc gia cũng chưa được làm rõ.

Quy hoạch Điện VIII: Tạo điều kiện cho địa phương nhưng cần tính đến lợi ích tổng thể cả nước  - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng đã chủ trì hàng chục cuộc họp để hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng. Ngày 8/10/2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình 6277/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII.

Với phiên bản này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, trên cơ sở cập nhật những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26. Đây là vấn đề mới đặt ra mà Quy hoạch điện VIII phải đóng góp quan trọng vào thực hiện cam kết này, cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trong hơn 1 năm qua kể từ khi trình Thủ tướng, Quy hoạch tiếp tục được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và dự thảo hiện nay đã có nhiều thay đổi. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có gần 30 cuộc họp, làm việc với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo đúng các nghị quyết, kết luận có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Vừa qua, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Công Thương báo cáo về các nội dung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đã có Kết luận tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 31/3/2022 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Công Thương đã có văn bản số 69/BC-BCT ngày 08/4/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo kết luận của Thường trực Chính phủ.

“Bài toán tổng hợp nhiều yếu tố”

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặt vấn đề, đây là một quy hoạch khó, vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: đặt nguồn điện ở đâu, vừa tính toán lượng hao hụt khi phải truyền tải điện đi xa, vừa phải bảo đảm phụ tải, bảo đảm giá thành hợp lý, đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

“Nếu đưa vào quy hoạch nhiều quá thì sau này sẽ gây lãng phí, hiệu quả khai thác của các nhà máy sẽ thấp”, Phó Thủ tướng lấy ví dụ. “Sản xuất điện ra với giá thành thấp nhưng vận chuyển xa thì dẫn tới hao hụt, cộng thêm chi phí đường dây cũng như rủi ro khi có sự cố như thiên tai”.

Với các “bài toán khó” nêu trên, suốt 1 năm qua, Phó Thủ tướng đã chủ trì hàng chục cuộc họp để hoàn thiện Quy hoạch.

Quy hoạch Điện VIII: Tạo điều kiện cho địa phương nhưng cần tính đến lợi ích tổng thể cả nước  - Ảnh 3.

Các địa phương phát biểu tại cuộc họp

Phó Thủ tướng cho biết, nhiều dự án đã có trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh phải rà soát, loại ra ngoài. “Nếu đưa vào Quy hoạch những cái cũ, không hợp lý thì không còn chỗ cho những cái mới, không khắc phục được các tồn tại nêu trên”. Một số dự án đưa vào dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã trình vào tháng 3/2021 nhưng chưa phù hợp cũng cần tính toán để đưa ra ngoài.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý một vấn đề là nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp, các địa phương rất lớn, đến năm 2030 đăng ký quy hoạch khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia năm 2030. Tuy nhiên, với tinh thần “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết”, bảo đảm an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, Quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.

Vì vậy, cuộc họp hôm nay dành nhiều thời gian lắng nghe góp ý của các tỉnh, thành phố, làm sao vừa đạt lợi ích chung của đất nước, vừa tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, nhất là địa bàn khó khăn, đồng thời bảo đảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó là góp ý về khâu tổ chức thực hiện Quy hoạch, thu hút nhà đầu tư, giải tỏa mặt bằng. “Bây giờ chúng ta đang bàn để có một Quy hoạch khoa học nhất, tối ưu nhất, nhưng quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng chia sẻ, bởi xây dựng một dự án điện thì lãnh đạo các địa phương cũng rất vất vả.

Giảm gần 2,3 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội phát triển nguồn, truyền dẫn

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.

Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93 thì bây giờ là 1,54, qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỷ USD.

Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án đã trình ngày 26/3/2021.

Tại Hội nghị, các địa phương thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng, kỹ lưỡng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; bố trí nguồn điện hợp lý giữa các vùng miền; giảm thiểu đầu tư hệ thống truyền tải, qua đó đã giảm tối đa tổng mức đầu tư, đảm bảo giá điện ở mức hợp lý; và thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải. Đặc biệt, Chính phủ đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phát huy lợi thế về phát triển điện lực của các địa phương, nhất là đối với địa phương còn khó khăn trên cơ sở bảo đảm hiệu quả chung.

Quy hoạch Điện VIII: Tạo điều kiện cho địa phương nhưng cần tính đến lợi ích tổng thể cả nước  - Ảnh 4.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “Có thể nói Quy hoạch Điện VIII giống như chúng ta đang vẽ một bức tranh trên nền các bức tranh có sẵn sao cho hài hòa, hợp lý”

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép