Trở lại danh sách tin tức
Sửa đổi Luật Dầu khí: Bảo đảm sự chủ động, chính danh của Petrovietnam

Source

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã giảm bớt, kế thừa và bổ sung một số nội dung cơ bản; trong đó có quy định bảo đảm sự chủ động, tính chính danh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhà nước và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các bước của dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí…

Sửa đổi Luật Dầu khí: Bảo đảm sự chủ động, chính danh của Petrovietnam

Nguồn: ITN

Theo đó, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã bổ sung, làm rõ các quy định đối với doanh nghiệp nhà nước và công ty con 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước (Petrovietnam, PVEP); quy định cụ thể các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm lập một số báo cáo về đánh giá rủi ro và thu xếp vốn theo pháp luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đặc thù của ngành dầu khí.

Cụ thể, đối với các dự án dầu khí mà có sự tham gia của Petrovietnam, doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam thì Petrovietnam lập, phê duyệt báo cáo đánh giá rủi ro và phương án thu xếp vốn; lập báo cáo đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư và phương án thu xếp vốn, trình cùng kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí; lập báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và phương án thu xếp vốn trình cùng kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí… Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định, Petrovietnam có quyền tham gia cùng với doanh nghiệp có vốn góp của Petrovietnam vào các hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền ưu tiên tham gia và ưu tiên mua lại một phần hoặc toàn bộ quyền lợi tham gia của các nhà thầu trong hợp đồng dầu khí và trình tự, thủ tục chấp thuận phê duyệt…

Bên cạnh đó, HĐTV Petrovietnam phê duyệt việc sử dụng vốn của Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam khi góp vốn tham gia các hợp đồng dầu khí; nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong các hợp đồng dầu khí, không phụ thuộc vào mức độ vốn góp, sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt nội dung liên quan đến hợp đồng dầu khí, hoạt động dầu khí theo quy định của luật này. HĐTV Petrovietnam phê duyệt kết thúc dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí không thành công và chi phí dự án tìm kiếm, thăm dò không thành công.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Nguồn: PVN

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết, với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công thương trình Chính phủ tại Tờ trình số 1328/BCT-DKT ngày 17.3.2022 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (thay thế Luật Dầu khí 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008), trên cơ sở nhận diện bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, Petrovietnam đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí, theo hướng cần quy định rõ địa vị pháp lý của Petrovietnam là Công ty dầu khí quốc gia; có ưu đãi về đầu tư để khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dầu khí trong thời gian tới…

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị, điều chỉnh và bổ sung các quy định về việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi, thủ tục đầu tư như bổ sung quyền và trách nhiệm của Petrovietnam. Đó là “Petrovietnam quyết định và phê duyệt những dự án đầu tư, mua bán, sang nhượng trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí có vốn tới 50% vốn điều lệ của Tập đoàn”. Khi đó, Petrovietnam sẽ sử dụng luật chuyên ngành đúng tinh thần của Luật Đầu tư quy định và sẽ giải quyết được các vướng mắc còn lại. Nếu dự án vượt mức 50% vốn điều lệ, Petrovietnam có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc Thủ tướng Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý vốn với doanh nghiệp nhà nước khi tham gia các giai đoạn của hoạt động dầu khí và vai trò nhà thầu (nhà đầu tư); tích hợp quy trình quản lý nhà nước về dầu khí và quy trình về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, để giảm thiểu thủ tục, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu khi thực hiện các thủ tục phê duyệt. Đồng thời, cần giao Chính phủ quy định chi tiết về quy trình, thủ tục, hồ sơ quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục quản lý nhà nước về dầu khí. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào Chương IX dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) 1 điều về trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong hoạt động dầu khí.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép