Trở lại danh sách tin tức
Tiềm năng phát triển hydro sạch tại Việt Nam
Source
Việt Nam được đánh gia là có tiềm năng ứng dụng sản xuất hydro (hydrogen) từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngày 21/12, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp tổ chức tọa đàm “Hydro sạch: xu hướng công nghệ và cơ hội đầu tư, ứng dụng tại Việt Nam”.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Tháng Năng lượng tái tạo 2021 (REM21) do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) khởi xướng và tổ chức từ ngày 2/12/2021 tới ngày 23/12/2021 với chủ đề “Khởi tạo hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 ở Việt Nam”.

Tọa đàm nhằm giới thiệu về xu hướng và công nghệ hydro sạch; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thảo luận vai trò của hydro sạch trong hành trình hướng tới net zero ở Việt Nam. Đồng thời, kết nối các cơ quan, tổ chức có quan tâm để cùng nhau xây dựng mục tiêu phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Tạo điều kiện đưa vấn đề phát triển năng lượng hydro, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đến gần hơn với các nhà đầu tư, cơ quan, nhà máy và cả các nhà khoa học quan tâm.

Hydrogen sẽ là giải pháp không thể thiếu trong chuyển dịch năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính

Theo các chuyên gia tại hội thảo, ứng dụng của hydro trong thực tế gồm: sản xuất điện và cân bằng lưới; là nhiên liệu cho các phương tiện giao thông, vận tải; nhiên liệu cho các khu công nghiệp; nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp: nhà máy lọc dầu, hóa chất, phân đạm, gang thép hoặc là nhiên liệu cho các tòa nhà dân dụng thương mại.

Các chuyên gia cũng khẳng định, Việt Nam có ưu thế để phát triển hydro xanh từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sinh khối).

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Thanh Tùng, đại diện Ban Chiến lược, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: Nhu cầu hydro năm 2050 dự báo sẽ tăng 10 lần so với năm 2025 lên 78 EJ, 1 EJ tương đương 7 triệu tấn hydro. Ứng dụng hydro ở quy mô này sẽ tạo ra doanh thu khoảng 2.500 tỷ USD/năm, 30 triệu việc làm.

Giá điện và chi phí đầu tư hệ thống điện phân nước chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo. Dự báo, giá thành sản xuất hydro xanh đến năm 2030 sẽ giảm mạnh (khoảng hơn 50%) do giá điện, chi phí đầu tư sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, các yếu tố khác như hiệu suất, tuổi thọ thiết bị, số giờ vận hành tăng lên sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất.

Theo đó, giá hydro xanh có thể giảm xuống 2$/kg vào năm 2030 và 1$/kg vào năm 2050 và có thể cạnh tranh được hydro truyền thống, khí tự nhiên. Giá hydro có thể thấp hơn ở các nước có nguồn điện tái tạo rẻ.

Hiện hơn 30 quốc gia đã xây dựng chiến lược hydro quốc gia và nguồn ngân sách để triển khai. Như dự án Dolphyn ở Anh sản xuất hydro từ điện gió ngoài khơi và sử dụng đường ống dẫn khí truyền tải hydro về bờ. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1: nghiên cứu khả thi và FEED; đang triển khai giai đoạn 2: sản xuất thử công suất 10 MW. Dự kiến sản xuất thương mại từ năm 2030, công suất 4 GW. Hay dự án GET H2 Nucleus của Đức sản xuất hydro xanh từ điện gió, phân phối bằng hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên được cải hoán để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu. Dự kiến, đến năm 2030: dự án hình thành hệ thống phân phối liên vùng và trung tâm kinh tế hydro của châu Âu.

Ông Đặng Thanh Tùng, đại diện Ban Chiến lược, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ về định hướng phát triển hydro của Tập đoàn

Theo ông Đặng Thanh Tùng, trong tương lai, hydro sẽ là nguồn năng lượng sạch đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp không thể thiếu trong chuyển dịch năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

“PVN có những điều kiện thuận lợi để sản xuất hydro quy mô thương mại sau năm 2030 và tham gia vào thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp dầu khí nói chung và PVN nói riêng có những ưu thế để tham gia chuỗi giá trị hydro trên cơ sở lợi thế về kinh nghiệm, hạ tầng sẵn có. PVN đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược của mình trong lĩnh vực hydro và xây dựng lộ trình phát triển cũng như đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án thử nghiệm, làm chủ công nghệ để dần thu hẹp khoảng cách với các tập đoàn dầu khí trên thế giới, khu vực và tham gia vào thị trường toàn cầu”, ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ.

Tại Việt Nam, tập đoàn The Green Solutions Group hiện đang tiến hành triển khai dự án Nhà máy sản xuất khí hydro xanh Trà Vinh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh theo công nghệ điện phân kiềm. Nguyên liệu đầu vào của dự án là điện năng tiêu thụ: 4.940MWh/ngày; lượng nước tiêu thụ: 3.000m3 H20/ngày. Sản phẩm đầu ra của dự án nhằm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu tới Nhật, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu. Cụ thể, các sản phẩm đầu ra gồm: hydro: 24.000 tấn H2/năm cho các nhà máy điện, tuabin khí, pin nhiên liệu; Ammonia: 150.000 – 180.000 tấn/năm là nhiên liệu tàu thủy, nhà máy sản xuất phân đạm; khí Oxy: 195.000 tấn/năm dùng trong y tế.

Năm 2021, The Green Solutions Group thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát vị trí nhà máy, khảo sát nguồn nước, đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị hồ sơ pháp lý dự án và liên lạc nhà đầu tư. Theo kế hoạch, đầu năm 2022, dự án sẽ chính thức động thổ xây dựng. Đến năm 2023, vận hành chính thức nhà máy hydro xanh 220 MW. Đến năm 2024, cung cấp hydro xanh, Ammonia xanh, Oxy và tới năm 2025 nâng công suất nhà máy lên 500 MW cung cấp hydro xanh, Ammonia xanh, Oxy, pin nhiên liệu nội địa và xuất khẩu.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển hydrogen của Anh, Đài Loan và một số quốc gia khác nhằm góp phần cập nhật xu thế công nghệ và cơ hội đầu tư, ứng dụng nguồn năng lượng này tại Việt Nam.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép