Trở lại danh sách tin tức

Giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam ra sao?

Source

Giá dầu thế giới đã đồng loạt tăng hơn 3% sau khi Nga tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các báo cáo về các vụ nổ ở Kiev. Điều này có tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Giá dầu vượt 100 USD/thùng

Trưa nay (24.2), giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, lần đầu kể từ năm 2014. Cụ thể vào lúc 11h30 (giờ Việt Nam), các hợp đồng dầu Brent giao tương lai lên 101,93 USD/thùng, tăng 4,69% so với phiên trước đó. Giá dầu WTI giao tương lai của Mỹ cũng tăng 4,73%, lên mức 96,46 USD/thùng.

Giới phân tích nhận định, nếu tình hình Ukraine tiếp tục “nóng” hơn sẽ kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư sẽ đổ xô vào các tài sản an toàn như vàng. Giá dầu cũng sẽ tăng vọt, thậm chí lên mức 150 USD/thùng.

Đối với Việt Nam, giá dầu tăng vọt là tin tốt cho thu ngân sách từ dầu thô, nhưng lại có nhiều tác động tiêu cực khác tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho biết, nhìn lại lịch sử biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới có tăng, có giảm ở những giai đoạn, những thời điểm nhất định, nhưng xu hướng vận động chủ đạo, xuyên suốt là tăng giá.

Với điểm xuất phát ở những giai đoạn thập niên 60 chỉ khoảng 1,80 USD/thùng, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng về dầu mỏ, giá liên tục tăng lên và có thời điểm đã tăng lên đến mức đỉnh cao 147,27 USD/thùng (khoảng tháng 7.2008), rồi đột ngột tụt xuống 40 USD/thùng (vào cuối năm 2008)…

Sau đó, tăng dần trở lại, nhưng rồi đột ngột rơi xuống đáy về mức giá âm lần đầu tiên trong lịch sử (phiên giao dịch ngày 20.4.2020) trong một thời gian rất ngắn. Cuối năm 2020, giá lại quay đầu tăng dần…, đến ngày 14.2.2022 tăng tới 94,58 USD/thùng và bây giờ đã chạm ngưỡng 100 USD/thùng.

Giá dầu tăng vọt qua ngưỡng 100 USD/thùng, lần đầu kể từ năm 2014 sau tuyên bố tiến hành quân sự đặc biệt của Nga (Ảnh: Getty).

Giá dầu tăng vọt qua ngưỡng 100 USD/thùng, lần đầu kể từ năm 2014 sau tuyên bố tiến hành quân sự đặc biệt của Nga

Theo ông Thoả, nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dầu tăng chính là do mất cân đối cung – cầu về dầu. Trong khi đó nguồn cung không tăng được như dự kiến do các nước OPEC+ không đáp ứng được các mục tiêu sản lượng đề ra, tình trạng leo thang căng thẳng địa chính trị và các nguyên nhân khác đã làm cho lượng cung thiếu hụt so với nhu cầu khoảng 500.000 -750.000 thùng/ngày.

Những tác động khi giá xăng dầu tăng

Vị chuyên gia cho rằng, những “cú sốc” về giá dầu tăng cao đã tác động mạnh đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Về mặt tích cực, nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng, đi liền đó là nguồn thu từ các loại thuế phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước tăng theo góp phần giúp thu ngân sách Nhà nước tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu, kinh doanh xăng dầu được cải thiện.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực gây ra những bất lợi đối với nền kinh tế không hề nhỏ cần được đặc biệt lưu tâm để có những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu những tác động tiêu cực sau:

Tác động bao trùm nhất đối với tăng trưởng GDP. Nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5% (theo tính toán của chuyên gia thống kê).

“Theo tính toán của tôi khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác) thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35%-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,90%; Tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%”, ông Thoả nói.

Đối với hai lĩnh vực kinh tế cụ thể sử dụng nhiều xăng dầu, nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh và mặt bằng giá thị trường.

Cụ thể đối với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5%-4,0% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5,0%-6,0%… Còn đối với tiêu dùng, xăng dầu của các hộ gia đình không chỉ làm tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10% mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.

Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận – nếu kịch bản giá dầu thô đạt 100 USD một thùng xảy ra sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế.

“Khi giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số chính sách tài khóa (như giảm 2% thuế VAT) để kích thích tiêu dùng trong chương trình phục hồi kinh tế”- ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói.

Vì thế, nếu diễn biến giá thế giới vẫn leo thang, khi công cụ điều hành là Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, ông Đông cho rằng, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có thể sẽ phải tính tới công cụ khác là thuế, phí.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép