Hóa dầu là gì? Có vai trò gì trong đời sống hiện nay? Quy trình hóa dầu diễn ra như thế nào? Trong bài viết sau đây, NSRP sẽ tổng hợp các nội dung về hóa dầu để độc giả có thêm thông tin về lĩnh vực này.
Hoá dầu là quá trình biến đổi cấu trúc phân tử của các hợp chất hydrocarbon có trong dầu mỏ và khí tự nhiên thành các sản phẩm hữu ích cho các ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày.
Hóa dầu đóng góp lớn vào nền kinh tế và xã hội hiện đại, là nguyên liệu chính để sản xuất hàng ngàn sản phẩm sử dụng hàng ngày. Sự phát triển không ngừng của các ngành công nghiệp đã làm tăng thêm vai trò quan trọng của hóa dầu trong sản xuất.
Mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với vô vàn sản phẩm được làm từ hóa dầu mà có thể không hề hay biết. Từ chiếc điện thoại thông minh trong tay, chiếc xe ô tô chúng ta lái, đến chai nước nhựa chúng ta uống hàng ngày, tất cả đều có sự góp mặt của các sản phẩm hóa dầu.
Ví dụ về các sản phẩm của hóa dầu trên thực tế có thể kể đến như:
Một ví dụ rõ nét hơn, các vật liệu tổng hợp từ hóa dầu chiếm hơn một nửa cấu trúc của chiếc máy bay hiện đại mà chúng ta sử dụng như Boeing 787 Dreamliner. Điều này cho thấy ngành hóa dầu là nền tảng cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng và đóng vai trò thiết yếu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ bao bì thực phẩm, đồ dùng gia đình đến ứng dụng trong giao thông và công nghiệp.
Quá trình hoá dầu bao gồm nhiều công đoạn phức tạp. Trong bài viết này, NSRP sẽ điểm qua một số công đoạn chính trong quá trình nói trên
1. Khai thác và chế biến
Nguyên liệu chính cho các sản phẩm hóa dầu chủ yếu có nguồn gốc từ dầu thô, được khai thác từ các mỏ dưới lòng đất hoặc ngoài khơi. Ngoài ra, một số sản phẩm hóa dầu nhất định, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc liên quan đến metan hoặc etan có thể được sản xuất trực tiếp từ khí tự nhiên.
Dầu thô sau khi khai thác sẽ được vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu để trải qua quá trình chế biến phức tạp tiếp theo.
2. Chưng cất
Tại nhà máy lọc dầu, dầu thô được xử lý sơ bộ để loại bỏ tạp chất và được đưa tới tháp chưng cất khí quyển để tiến hành quá trình chưng cất. Trong quá trình này, các phân đoạn hydrocarbon khác nhau được phân tách dựa trên nhiệt độ sôi, cho ra các sản phẩm như xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và khí dầu mỏ.
3. Bẻ gãy mạch hydrocarbon (Cracking)
Nguyên liệu cho các sản phẩm hóa dầu chủ yếu được lấy từ các phân đoạn nặng của dầu thô hoặc khí tự nhiên. Để tạo ra các phân đoạn này, quá trình Cracking đã được sử dụng để bẻ gãy các hydrocacbon mạch dài thành các hydrocacbon mạch ngắn hơn. Có 2 phương pháp chính được sử dụng bao gồm:
Cracking nhiệt: Sử dụng nhiệt độ cao để phá vỡ các hydrocarbon có cấu trúc lớn thành các hợp chất đơn giản hơn như là các hydrocarbon nhẹ hơn, bằng cách bẻ gãy các liên kết giữa các nguyên tử carbon trong các hợp chất trên.
Cracking xúc tác: Sử dụng chất xúc tác để tăng tốc độ, độ chọn lọc, độ chuyển hóa của phản ứng cracking, qua đó có thể kiểm soát chính xác hơn về chất lượng của sản phẩm chính, hạn chế các sản phẩm phụ không mong muốn.
4. Quá trình tái cấu trúc hóa học (Reforming)
Trong quá trình tái cấu trúc hóa học, phân đoạn Naphtha nặng được chuyển hóa ở điều kiện nhiệt độ và áp suất kiểm soát để sắp xếp lại cấu trúc phân tử của chúng.
Quá trình này sẽ sản xuất ra các hydrocarbon thơm như benzen, toluen và xylen, là những sản phẩm hóa dầu quan trọng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực.
5. Quá trình nối chuỗi (Polime hóa)
Polime hóa là quá trình kết hợp các phân tử hydrocarbon nhỏ (thường là alken) thành các phân tử lớn hơn gọi là polime.
Polymer là cơ sở cho nhựa và vật liệu tổng hợp. Các loại polime phổ biến bao gồm polyethylene, polypropylene và polyvinyl chloride (PVC).
6. Oxy hóa và các phản ứng hóa học khác
Các hydrocacbon có thể trải qua nhiều phản ứng khác nhau để sản xuất các hợp chất như rượu hoặc axit hữu cơ thông qua quá trình oxy hóa. Những hợp chất này có thể được xử lý thêm để tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau.
7. Quá trình phân tách phân đoạn
Sau các phản ứng chuyển hóa, hỗn hợp sản phẩm sẽ được đưa tới cột phân đoạn để phân tách thành các sản phẩm khác nhau. Các phân đoạn sản phẩm thu được được mang đi xử lý tiếp hoặc có thể làm sản phẩm để bán trực tiếp ra ngoài thị trường.
8. Tinh chế
Các sản phẩm hóa dầu sẽ được tinh chế để đạt độ tinh khiết cao đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu của các ngành công nghiệp khác nhau.Trong quá trình này sẽ có nhiều phương pháp tách và tinh chế khác nhau, chẳng hạn như các kỹ thuật như chưng cất, lọc và chiết xuất dung môi.
9. Lưu trữ và phân phối
Các sản phẩm tinh chế được lưu trữ trong các bồn chứa và vận chuyển qua đường ống, xe tải hoặc tàu đến các nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Lưu ý: Các quá trình chế biến và các phản có thể thay đổi tùy thuộc vào các sản phẩm hóa dầu mong muốn. Các nhà máy hóa dầu ngày càng có độ phức tạp cao và có khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa chất và vật liệu đáp ứng được nhu cầu đang ngày càng tăng và trở thành một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Tuy nghe có vẻ xa lạ với nhiều người, nhưng thực chất, hóa dầu đã len lỏi vào hầu hết mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta, từ những vật dụng nhỏ nhặt hàng ngày đến những công trình kiến trúc đồ sộ. 99% các loại nhựa trong cuộc sống đều được tạo ra từ quá trình lọc dầu.
Hoá dầu có vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống, từ đời sống hàng ngày đến kinh tế và xã hội.
1. Tạo ra các sản phẩm hóa chất cơ bản:
Các sản phẩm hóa chất cơ bản như olefin (ethylene, propylene), aromatic (benzene, toluene, xylene), methanol, ammonia… là những nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp hóa chất, nhựa, sợi, phân bón, dược phẩm.
2. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội:
Các sản phẩm hóa dầu được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nhựa, cao su, xăng dầu, sản xuất thuốc men, phân bón, hợp chất trung gian hóa học…
3. Tăng giá trị gia tăng từ nguồn nguyên liệu dầu mỏ:
Quá trình chế biến dầu mỏ và khí thiên nhiên thành các sản phẩm hóa dầu giúp tăng giá trị gia tăng so với việc chỉ bán trực tiếp dầu mỏ.
4. Phát triển công nghiệp hóa chất và các ngành công nghiệp khác:
Các sản phẩm hóa dầu là nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp khác như nhựa, cao su, sợi, dược phẩm, sơn, chất dẻo…
Ngành hóa dầu tại Việt Nam đang có nhiều triển vọng phát triển nhờ vào sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu trong nước và khu vực. Theo nghiên cứu từ Viện Dầu khí Việt Nam, mức tiêu thụ sản phẩm hóa dầu của Việt Nam hiện tại chỉ bằng 1/5 so với mức trung bình toàn cầu. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Dự báo đến năm 2035, nhu cầu các sản phẩm hóa dầu như polyethylene (PE), polypropylene (PP), polyvinyl chloride (PVC), và polyethylene terephthalate (PET) sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn. Điều này đặt ra yêu cầu về việc mở rộng công suất, cải tiến công nghệ sản xuất, và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng và vận hành một số tổ hợp lọc hóa dầu quy mô lớn như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã giúp nâng cao khả năng chế biến dầu thô thành các sản phẩm lọc dầu sạch, chất lượng cao.
Thông qua nội dung bài viết trên, NSRP đã giải đáp thắc mắc cho câu hỏi “Hoá dầu là gì?” với mong muốn mang những thông tin về hoá dầu gần gũi hơn với mọi người. Hy vọng độc giả đã phần nào hiểu được các thông tin về hoá dầu, không chỉ là một ngành công nghiệp, mà còn là một phần không thể tách rời của cuộc sống hiện nay.
Không thể sao chép