Trở lại danh sách tin tức

Ngưng hoạt động tại Nga, Shell tuyên bố vẫn mua dầu với chiết khấu cao

Source

Tập đoàn dầu mỏ Shell của Anh mới đây đã lên tiếng giải thích quyết định mua một lô hàng dầu được chiết khấu cao từ Nga, đồng thời cam kết chuyển lợi nhuận nhận thu được từ dầu mỏ của Nga vào một quỹ đặc biệt có thể được sử dụng để giúp người dân Ukraine.

Shell bảo vệ quyền mua dầu mỏ từ Nga dù đã không còn hoạt động tại quốc gia này

Cuối tuần trước, Shell đã mua 100.000 tấn dầu thô chủ lực Urals từ Nga. Lô dầu này được mua với mức chiết khấu kỷ lục trong thời kỳ nhiều công ty cố tìm cách tránh xa dầu của Nga. Việc mua bán của Shell được cho là không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây.

Trong một tuyên bố của hãng, Shell cho biết đã “đàm phán căng thẳng với các chính phủ và tiếp tục tuân theo hướng dẫn của họ về vấn đề an ninh nguồn cung cấp này và nhận thức sâu sắc rằng chúng tôi phải giải quyết tình huống khó xử này một cách thận trọng nhất”.

“Ngày hôm qua, chúng tôi đã phải đưa ra một quyết định khó khăn khi mua dầu thô từ Nga. Các nhà máy lọc dầu của chúng tôi cung cấp xăng, dầu diesel và các sản phẩm khác mà mọi người phụ thuộc mỗi ngày. Cụ thể, nếu nguồn cung dầu thô bị gián đoạn, ngành công nghiệp năng lượng không thể đảm bảo tiếp tục cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người dân trên khắp châu Âu trong những tuần tới. Trong khi đó, nguồn cung thay thế không thể đến kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn”, Shell thông báo.

Đáng chú ý, việc Shell mua dầu từ Nga xảy ra gần 1 tuần sau khi công ty tuyên bố cắt đứt mọi hoạt động kinh doanh tại quốc gia này.

Công ty đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, người muốn các công ty cắt đứt mọi quan hệ kinh doanh với Nga.

“Một câu hỏi đối với Shell: dầu của Nga có mùi máu của Ukraine không?” ông Kuleba đăng trên trang Twitter cá nhân.

Trong tuyên bố mới của mình, Shell cho biết công ty hoan nghênh “bất kỳ định hướng hoặc thông tin chi tiết nào” từ các chính phủ hoặc các nhà hoạch định chính sách.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn các giải pháp thay thế cho dầu của Nga, nhưng điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều vì mức độ quan trọng của Nga đối với nguồn cung toàn cầu”, Shell cho biết.

Trái lại với Shell, đối thủ BP thông báo sẽ bán bớt 19,75% cổ phần của mình trong Rosneft, một công ty dầu khí do Nga kiểm soát, để hoàn toàn rời khỏi Nga, dù việc này có thể khiến công ty dầu mỏ lớn của Anh mất tới 25 tỷ USD chi phí.

Trong một diễn biến liên quan, sáng 7/3, giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng 130 USD/ thùng, đạt mức cao nhất từ năm 2008 do Mỹ và EU cân nhắc khả năng cấm nhập khẩu dầu Nga.

Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng khoảng 9,3% lên mức 126,4 USD/thùng. Dầu Brent có thời điểm được giao dịch ở mức kỷ lục hơn 130 USD/thùng rồi quay lại mức 129,9 USD/thùng, tăng 9,96%, tương đương 11,76 USD.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép