Trở lại danh sách tin tức

Nhìn lại những biến động trong lịch sử 60 năm của OPEC

Nguồn

Năm 1973, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được thành lập để đối trọng với những doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ Mỹ và Anh. Đến nay, sau 60 năm thành lập, OPEC đã trải qua nhiều biến động.

Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi trả lời phỏng vấn khi dự cuộc họp của OPEC năm 2007. Ảnh: Reuters

OPEC được thành lập tại Baghdad (Iraq) ngày 14/9/1960 với mục tiêu đối trọng với sức mạnh từ 7 công ty dầu mỏ Anh và Mỹ. Khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Saudi Arabia, Kuwait, Iraq và Iran đã cùng tề tự về Baghdad để thành lập OPEC.

Kể từ khi thành lập đến nay, OPEC đã trở thành đối tác không thể thay thế đối với các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ. Ổn định giá cả là vấn đề quan trọng với cả người tiêu dùng và nhà khai thác dầu.

Các nhà khai thác dầu cần dự đoán mức giá cho kế hoạch đầu tư. Còn đối với những công ty dầu nhà nước, chính phủ cần có khả năng đoán định được đóng góp của ngành dầu mỏ đối với ngân sách quốc gia. Phía người tiêu dùng cũng cần có kế hoạch. Những lĩnh vực như hàng không và hóa học dầu mỏ… đều cần có dự liệu trước về giá dầu.

Saudi Arabia là quốc gia đầu tàu đã dẫn dắt OPEC trong nhiều thập niên. Saudi Arabia và một số thành viên OPEC khác đã gây chú ý khi áp đặt lệnh trừng phạt dầu mỏ lên Mỹ do nước này ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur (1973).

OPEC trải qua chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) khi hai thành viên thành lập tổ chức này rơi vào xung đột.

Thời gian qua, OPEC đã chứng tỏ phương pháp phối hợp của tổ chức này rất quan trọng với thị trường dầu mỏ. Khi giá dầu tạm thời chạm ngưỡng 150 USD/thùng năm 2008, Saudi Arabia kêu gọi tổ chức họp tại Riyadh và OPEC đã đồng ý tăng sản lượng để giảm giá dầu. OPEC cũng đã “căn chỉnh” thời điểm giảm khai thác khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Logo của OPEC tại một cuộc họp năm 2016. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, đôi khi nội bộ OPEC cũng xảy ra tình trạng không đồng nhất. Năm 2011, khi biến động xảy ra ở Libya với việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi, Saudi Arabia đã cố thuyết phục OPEC tăng sản lượng để giảm giá dầu nhưng Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Libya và Venezuela đều chối từ.

Theo Reuters (Anh), nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến mới, trong một thập niên qua, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng gấp đôi, đạt mức 12 triệu thùng/ngày năm 2019. Trước tình hình này, năm 2016, OPEC đã bắt tay cùng Nga và 9 nhà sản xuất dầu mỏ khác để hình thành nhóm OPEC+. Khi dịch COVID-19 khiến nhu cầu về dầu giảm, OPEC đã cùng Nga và một số đồng minh khác trong tháng 4 vừa qua thống nhất cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, kết thúc vào cuối tháng 7.

Reuters dẫn lời nguồn thạo tin về chính sách dầu mỏ Iran cho biết: “Điều quan trọng là với tư cách một thành viên của OPEC hoặc OPEC+, bạn có thể tối đa hóa lợi ích của mình”.

Mục tiêu của OPEC là đảm bảo nguồn cung cân bằng cho thị trường và dịch COVID-19 là một bài kiểm tra quản lý của OPEC. Dịch COVID-19 với lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia trên thế giới khiến lượng tiêu thụ dầu hàng ngày chững lại. Điều này còn diễn ra ở thời điểm xe điện ngày càng nở rộ và một số quốc gia ưu tiên năng lượng tái tạo, dẫn đến dự báo về nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm trong thời gian dài. Trên thực tế, nhiều quốc gia thành viên OPEC phải chịu đựng tình trạng giá dầu thấp trong một thời gian và điều này có thể ảnh hưởng đến họ trong tương lai.

Nhưng Tổng thư ký OPEC Mohammed Sanusi Barkindo từng nhấn mạnh: “OPEC vẫn luôn có mục tiêu then chốt là trật tự và ổn định trong thị trường dầu mỏ toàn cầu”.

Trải qua thời gian, OPEC đón nhận thêm nhiều thành viên và cũng chia tay với một số thành viên. Từ 1968, OPEC đã mở rộng thêm ngoài con số 5 quốc gia ban đầu. Năm 2019, Qatar rời OPEC vì bất đồng chính trị với Saudi Arabia. Ecuador chia tay với OPEC năm 2020 và Indonesia cũng không còn là thành viên của tổ chức này từ 2016.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép