Trở lại danh sách tin tức

OPEC+ cắt giảm sản lượng tác động đến các công ty lọc dầu và nguồn cung cho châu Á

Nguồn
Nguồn cung dầu thô ở Trung Đông dự kiến sẽ thắt chặt hơn từ tháng 5 sau khi OPEC+ công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng một lần nữa, làm tăng chi phí cho các nhà máy lọc dầu từ châu Á đến châu Âu và thúc đẩy họ tìm kiếm thêm nguồn cung từ Nga, châu Phi và châu Mỹ.

Giá dầu đã tăng hơn 4 USD/thùng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (bao gồm Nga) khiến thị trường bất ngờ bởi tuyên bố cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày (bpd) từ tháng 5/2023 cho đến hết năm. Cam kết này đã nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ kể từ tháng 11/2022 lên khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, bằng 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Phân bổ cắt giảm sản lượng tại các quốc gia Trung Đông

Thành viên của một nhà máy lọc dầu Hàn Quốc cho biết việc cắt giảm là “tin xấu” đối với những người mua dầu và OPEC đang tìm cách “bảo vệ lợi nhuận của họ” trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc cắt giảm nguồn cung sẽ đẩy giá dầu thô tăng lên khi các nền kinh tế suy yếu làm giảm nhu cầu và giá nhiên liệu, làm giảm lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu.

Takayuki Honma, phụ trách kinh tế tại Sumitomo Corporation Global Research, cho biết nguồn cung dầu thô của OPEC+ thắt chặt hơn sẽ tác động tiêu cực đến Nhật Bản vì nó có thể thúc đẩy lạm phát và làm suy yếu nền kinh tế nước này.

Các thương nhân cho biết việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ diễn ra khi lượng mua của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ đạt kỷ lục vào năm 2023 khi nước này phục hồi nhu cầu sau đại dịch COVID-19, trong khi mức tiêu thụ từ Ấn Độ – quốc gia nhập khẩu lớn thứ 3 – vẫn mạnh mẽ. Đồng thời, nhu cầu của các nhà lọc dầu châu Âu đối với dầu thô Trung Đông đã tăng lên – đặc biệt là đối với dầu thô Basrah Heavy và Oman – để thay thế dầu của Nga bị Liên minh châu Âu cấm kể từ tháng 12/2022.

Kuwait cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu để giữ thêm dầu thô cho nhà máy lọc dầu Al Zour và Saudi Aramco đang tăng cường hoạt động tại nhà máy lọc dầu Jizan.

Với giá cao hơn và nguồn cung dầu thô chua từ Trung Đông ít hơn, Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị thúc đẩy mua thêm dầu của Nga, tăng doanh thu cho chính quyền Moscow. Trong khi các nhà máy lọc dầu ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết họ không cân nhắc mua dầu của Nga do những lo ngại về địa chính trị và có thể tìm kiếm nguồn cung thay thế từ châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Honma của Sumitomo cho biết: “Nhật Bản có thể tìm kiếm thêm nguồn cung từ Hoa Kỳ, nhưng việc đưa dầu của Hoa Kỳ qua Kênh đào Panama rất tốn kém”.

Một số nhà phân tích cho rằng “về bản chất, mục đích của việc cắt giảm sản lượng lớn bất ngờ này chủ yếu là để giành lại quyền định giá trên thị trường”.

Bài viết này có hữu ích với bạn?
Chia sẻ ngay bây giờ

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép