Với nỗ lực cao của toàn hệ thống, quản trị hiệu quả biến động, tận dụng tốt cơ hội thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) duy trì ổn định sản lượng khai thác, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực, nộp ngân sách Nhà nước 66.100 tỷ đồng.
Trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp. Điều đó cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động của Petrovietnam (như việc tăng giá và gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, vật tư, thiết bị; áp lực lạm phát, đặc biệt là “lạm phát nhập khẩu”; giá xăng dầu khó đoán định… Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, huy động khí cho sản xuất điện trong nước vẫn ở mức thấp so với kế hoạch; nhu cầu và giá phân bón đang sụt giảm…).
Tuy nhiên, với sự linh hoạt, chủ động, quyết liệt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành trên mọi lĩnh vực hoạt động, chú trọng công tác quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát huy tối ưu các giải pháp kỹ thuật cũng như tối đa các điều kiện thuận lợi và dự báo để có giải pháp ứng phó.
Cùng với đó, Tập đoàn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác trong tình hình suy giảm sản lượng khai thác tự nhiên ở tất cả các mỏ dầu khí do đã khai thác quá lâu.
Những giải pháp đó đã giúp Petrovietnam đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, khai thác dầu thô tháng 6/2022 của Tập đoàn đạt 0,9 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch (KH) tháng 6, tính chung 6 tháng đạt 5,48 triệu tấn, vượt 23% KH 6 tháng và bằng 63% KH năm 2022; bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng khai thác dầu 6 tháng vượt cao so với KH do đa phần các mỏ khai thác chủ lực đạt hệ số thời gian hoạt động cao. Công tác quản trị sản lượng khai thác tại các lô/mỏ chủ lực của toàn Tập đoàn được tăng cường tối đa, áp dụng hiệu quả, kịp thời các giải pháp, biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng. Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 6 tháng vượt 14% KH; sản xuất đạm vượt 8% KH; sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Tập đoàn trong góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường.
Nhờ hoạt động SXKD duy trì ổn định, trong 6 tháng đầu năm, Petrovietnam đạt được các chỉ tiêu tài chính rất tích cực, tiếp tục đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Theo đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 468.300 tỷ đồng, vượt 2 lần so với KH 6 tháng, đạt 84% KH năm và tăng 55% so với cùng kỳ 2021; toàn Tập đoàn nộp ngân sách đạt 66.100 tỷ đồng, vượt 2,2 lần so với KH 6 tháng, hoàn thành và vượt 2% KH năm 2022 và tăng 41% so với cùng kỳ 2021. Kết quả SXKD của Tập đoàn được sự ghi nhận, đánh giá cao của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các mặt công tác khác cũng được Tập đoàn triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Petrovietnam đã quyết liệt tập trung tháo gỡ các nút thắt đầu tư, quyết tâm xử lý có kết quả các dự án khó khăn, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Trong đó có thể kể đến là các dự án thuộc lĩnh vực điện được tập trung triển khai theo mốc tiến độ đề ra (Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng và đi vào vận hành thương mại ngày 13/5/2022; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa đồng bộ bằng dầu ngày 12/5/2022 và bằng than vào ngày 16/6/2022). Các dự án trọng điểm như nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Lô B,… cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng, trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh những khó khăn thì cơ hội cũng rất lớn. Tập đoàn quyết tâm duy trì sản lượng khai thác, tận dụng cơ hội giá dầu để tăng cường đóng góp cho kinh tế đất nước, bù đắp cho nhiều ngành kinh tế đang suy giảm.
Trong sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn bảo đảm tuyệt đối an toàn; thúc đẩy hoạt động đầu tư, gia tăng sản lượng; theo sát, đảm bảo các mốc tiến độ các dự án trọng điểm; tăng cường liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi hoạt động từ thượng nguồn đến hạ nguồn.
Ông Hoàng Quốc Vượng cũng lưu ý các đơn vị tìm giải pháp để duy trì sản lượng khai thác, bảo đảm sản lượng không thấp hơn năm 2021; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường tiêu thụ khí ngoài điện; rà soát, thúc đẩy triển khai các chuỗi liên kết; đẩy mạnh việc đưa chuyển đổi số vào thực tế, tạo những thay đổi tích cực về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động…
Không thể sao chép